Nghệ thuật Hương đạo: Khi hương thơm cũng có tiếng nói riêng

So với Thư đạo, Kiếm đạo, Trà đạo hay Hoa đạo; Hương đạo có một chỗ đứng khiêm nhu; ít người biết đến và kén người thưởng thức hơn; phần vì tính trừu tượng, vô hình ẩn nơi làn hương gỗ ấm; phần vì cái khó trong việc ghi nhớ và gọi tên bằng ký ức mùi hương. 

Hương đạo phát triển mạnh mẽ trong xã hội Nhật Bản vào thời kỳ Edo (1603 –1868). Những dụng cụ phục vụ cho nhu cầu thưởng thức Hương đạo được chế tác tinh xảo. Đây cũng được coi là thời kỳ vàng son của Hương đạo. 

“Nghe hương” bằng cả tâm hồn.

Mặc dù thưởng hương bằng khứu giác nhưng thay vì sử dụng cách nói “香を嗅ぐ” (ka wo kagu), người Nhật lại nói “香を聞く” (ka wo kiku), nôm na có nghĩa là “nghe hương”. Ngoài nghĩa đơn thuần là nghe, “聞く” còn biểu thị sự “mài giũa 5 giác quan để thưởng thức bằng cả tâm hồn”. Thưởng hương không thể ngửi qua loa mà cần một quá trình ngưng lắng tâm hồn đậm Thiền tính của nhà Phật. 

Để “nghe” trọn vẹn một cuộc hương, người thưởng thức phải chuẩn bị cả tư thế lẫn tâm thế: Ngồi ngay ngắn, thư thái, tay trái giữ chén hương trầm; từ từ nâng chén lên ngang mũi, tay phải che miệng chén để làn hương trôi qua khoảng không giữa ngón trỏ và ngón cái; hít ba hơi thật sâu. Làn hương thấm vào mũi sẽ đi qua tim và chạm đến đáy tâm hồn. Người thưởng hương khi đạt được độ tĩnh tại sẽ nghe ra chất hương và gọi thành tên. 

10 đức của hương (香十徳)

Vượt lên trên thú chơi thưởng hương mang tính cung đình của các quý tộc xưa; tách khỏi nghi thức dâng hương trọng vọng của tôn giáo; Hương đạo Nhật Bản ngày nay giống như một liệu pháp trị liệu cho tâm hồn, với 10 đức của hương:
1. Tăng khả năng cảm giác
2. Thanh tẩy cơ thể và tâm hồn
3. Thanh lọc cơ thể
4. Xua tan cơn buồn ngủ
5. Chữa nỗi cô đơn
6. An định tinh thần
7. Nhiều không cản lối
8. Ít vẫn thơm lâu
9. Nhiều năm không hỏng
10. Dùng hằng ngày không gây hại
ST.

Trả lời