So với Thư đạo, Kiếm đạo, Trà đạo hay Hoa đạo; Hương đạo có một chỗ đứng khiêm nhu; ít người biết đến và kén người thưởng thức hơn; phần vì tính trừu tượng, vô hình ẩn nơi làn hương gỗ ấm; phần vì cái khó trong việc ghi nhớ và gọi tên bằng ký ức mùi hương.
“Nghe hương” bằng cả tâm hồn.
Mặc dù thưởng hương bằng khứu giác nhưng thay vì sử dụng cách nói “香を嗅ぐ” (ka wo kagu), người Nhật lại nói “香を聞く” (ka wo kiku), nôm na có nghĩa là “nghe hương”. Ngoài nghĩa đơn thuần là nghe, “聞く” còn biểu thị sự “mài giũa 5 giác quan để thưởng thức bằng cả tâm hồn”. Thưởng hương không thể ngửi qua loa mà cần một quá trình ngưng lắng tâm hồn đậm Thiền tính của nhà Phật.
Để “nghe” trọn vẹn một cuộc hương, người thưởng thức phải chuẩn bị cả tư thế lẫn tâm thế: Ngồi ngay ngắn, thư thái, tay trái giữ chén hương trầm; từ từ nâng chén lên ngang mũi, tay phải che miệng chén để làn hương trôi qua khoảng không giữa ngón trỏ và ngón cái; hít ba hơi thật sâu. Làn hương thấm vào mũi sẽ đi qua tim và chạm đến đáy tâm hồn. Người thưởng hương khi đạt được độ tĩnh tại sẽ nghe ra chất hương và gọi thành tên.