(TTH) – Để có được một loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân là một công việc không hề đơn giản, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thị trường. “cây gì, con gì?” thường là nỗi băn khoăn day dứt của các nhà lãnh đạo địa phương trong phương án phát triển sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp.
Từ một ý tưởng đến đề tài nghiên cứu
Tiến sỹ Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm CORENARM (Trung tâm nghiên cứu – tư vấn quản lý tài nguyên) gọi điện mời tôi cùng tham gia với trung tâm về Hương Phong, Hương Trà thăm Rú Chá; một khu rừng ngập mặn còn sót lại ở Thừa Thiên Huế; và dự một buổi tập huấn về dự án bảo vệ môi trường trong cộng đồng cho người dân nơi đây.
Trong chuyến đi, Tiến sỹ Dũng nói với tôi: “Bây giờ người ta đang chú trọng đến các loài cây bản địa. Các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế cũng rất chú ý đến các loài cây này”. Như một sự khơi dậy, tôi bỗng sực nhớ đến một loài cây bản địa ở quê tôi; cây “rễ hương” mọc trên cát. Từ hôm đó trở đi, không hiểu sao, tôi như bị ma cuốn; cứ hút vào với cây rễ hương. Định bụng sẽ giới thiệu cây bản địa này với T.S Dũng.
Cây hương bài phát triển tốt trên vùng đất cát và vùng đồi ở Thừa Thiên Huế |
Cây rễ hương mà tôi nói trên, có tên phổ thông là cây hương bài; một loại cây thảo mộc bản địa; sống tự nhiên trên các vùng đồi và triền cát. Chúng phân bổ hầu khắp từ Bắc đến Nam Việt Nam. Từ xa xưa, người dân phía Bắc và miền Trung đã sử dụng cây hương bài để làm nguyên liệu sản xuất hương thắp. Lá cây hương bài sắp xếp trên thân cây xòe ra trong giống như thẻ bài nên gọi là hương bài (có lẽ) – hương bài khi được làm hương thắp có mùi thơm rất đặc biệt.
Nghề làm hương thắp từ rễ cây hương bài này có từ xa xưa; lưu truyền cho đến ngày nay và vẫn được khắp nơi ưa chuộng. Do cây hương bài bị khai thác thường xuyên nên trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt và đang có nguy cơ tuyệt diệt ở nhiều vùng quê, trong đó có quê tôi; vùng cát nắng gió Quảng Bình. Trong khi đó việc trồng cây hương bài thành vùng nguyên liệu chưa được ai để ý.
“Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”
Cách đây ba năm, trong một lần lang thang trên mạng internet; tôi bất ngờ bắt gặp một bài báo đưa tin: “Tiên Lý thoát nghèo nhờ cây hương bài ”. Đọc xong bài báo, tôi như mở cờ trong bụng: “Đây rồi…!” không còn nghi ngờ gì nữa và tôi quyết định; phải đến bằng được nơi trồng cây hương bài.
Thôn Tiên Lý, xã Yên Định, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cách Huế gần cả ngàn cây số. Tôi tức tốc gọi điện ngay cho nhà báo Ngọc Tình; đang công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam ở Hà Nội; một đồng nghiệp thân thiết của tôi; anh em quen nhau từ lớp đào tạo phóng viên môi trường do WWF (Tổ chức Bảo vệ môi trường thế giới) tổ chức năm 2000. Tôi nhờ Tình xác minh lại thông tin trên. Khi biết đích xác chuyện có thật, ngay hôm sau tôi bay ra Hà Nội và cùng Ngọc Tình đánh xe lên Tiên Lý.
Qua rất nhiều núi cao, hai chúng tôi mới tới được thôn Tiên Lý. Khi đến đây vào đúng chiều tháng 5-2010, người dân đang trồng hương bài.
Một người cho biết: đã hơn 4 năm nay, ngày nào gia đình anh cũng thu hoạch hương bài; bởi loại cây này có thể trồng và cho thu hái quanh năm. Là người dân tộc Tày, lại ở sâu mãi ở trong núi cao nên trước đây gia đình anh Tam nghèo lắm. Cuộc sống của gia đình anh chỉ thật sự sang trang mới khi cây hương bài xuất hiện. Ban đầu, anh Tam chỉ đem cây hương bài trồng thử ở các gốc cây keo; cây vải thiều. Không ngờ cây vẫn phát triển tốt và chỉ 1 năm sau là đã cho thu hoạch trên 1 tấn rễ tươi. Với giá bán 4.000 đồng 1 kg, năm đầu tiên gia đình anh cũng thu về gần 5 triệu đồng. Thấy cây hương bài trồng dễ mà đem lại hiệu quả kinh tế cao nên anh Tam cùng gia đình đã nhanh chóng mở rộng diện tích. Hiện nay, gia đình anh trồng khoảng 1 mẫu cây hương bài; bình quân mỗi năm gia đình anh cũng thu về gần 50 triệu đồng.
Cùng với gia đình anh Tam, trên 100 hộ gia đình khác ở thôn Tiên Lý đều trồng cây hương bài. Nhà ít thì vài sào, nhà nhiều thì vài hec-ta. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà cây hương bài còn có rất nhiều ưu điểm như: dễ trồng, không bị sâu bệnh; thu hái được quanh năm và đặc biệt là có thể trồng xen với các loại cây trồng khác mà cây vẫn có thể phát triển được.
Cây hương bài trên vùng đất khó
Đến đây xét về những vấn đề cơ bản cho một dự án đã có. Cuối cùng là “làm”. Tôi chọn xã Phong Chương và Phong Hiền, huyện Phong Điền làm nơi thí điểm. Đây cũng là quê cát nghèo giống quê tôi ở Quảng Bình. Khi đặt vấn đề với các anh lãnh đạo xã, thấy rất hồ hởi; Bí thư Đảng ủy xã Phong Chương còn bạo miệng: “Anh mà giúp cho đồng cát Phong Chương trồng cây hương bài cho thu nhập chỉ cần bằng nửa như anh nói (2,5 triệu đồng/sào), thì đảng bộ và nhân dân Phong Chương đúc tượng cho anh đấy (?)!”. Đến giờ này, Phong Chương và Phong Hiền đã hai năm vẫn chưa thực hiện được; chỉ một lý do muôn thuở là không có tiền?
Cũng từ khi bắt tay vào làm dự án phát phát triển vùng nguyên liệu cây hương bài, tôi mới nhận ra một điều; từ lâu người ta đã quen cách làm dự án là “cho cá”, một quan niệm: “hễ có dự án là có tiền. Không cần biết tiền đó từ đâu ra, miễn là không phải từ túi mình”. Bởi thế, khi nói về dự án nghe ra ai cũng thích; nhưng khi nói đến việc phải tự bỏ tiền ra thì hầu như mười người thì đã có đến chín thụt. Tôi đem dự án này đến với A Lưới, Nam Đông. Anh Lê Văn Trừ, Bí thư huyện ủy A Lưới nói với tôi “Cho mệ chộ (thấy) cái đã”.
Để sớm có vùng nguyên liệu trước hết phải có giống. Tôi đến Trường đại học Nông Lâm đặt hàng nhà trường tạo giống bằng phương pháp nuôi cấy mô; nhưng sau một năm không thành công. Rất may, không ỷ lại, tôi đã chủ động tạo cây giống bằng phương pháp truyền thống và đã thành công từ năm đầu tiên. Hôm đến tham quan vườn giống cây hương bài của tôi; PGS-TS Nguyễn Minh Hiếu, Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm Huế cũng lấy làm ngạc nhiên và bất ngờ. Bất ngờ, bởi kẻ “ngoại đạo” này đã dám xông vào lãnh địa không kém phần hóc búa.
Để cho “mệ chộ”, tôi phải làm từ “trong nhà làm ra”, vận động bà con; anh em trong gia đình thân thuộc bỏ công của, tiền bạc, đất đai ra làm trước. Khi đã có được một vùng nguyên liệu kha khá, tôi bắt đầu đầu tư sản xuất; với mục đích “giải quyết đầu ra”. Một thực tế, người nông dân không ngại trồng cây mà chỉ ngại; cây trồng ra ai sẽ tiêu thụ sản phẩm. Nhiều bài học nhãn tiền đã làm cho người nông dân như “chim phải tên, sợ làn cây cong”. Công ty TNHH Tân Nguyên ra đời; mang sứ mệnh chịu trách nhiệm làm bà đỡ cho dự án. Một xí nghiệp sản xuất cũng mau chóng ra đời. Hương thắp, mang nhãn hiệu “ hương bài Tân Nguyên” được đăng ký bản quyền thương hiệu hàng hóa có mặt tại thị trường trong tỉnh và một số tỉnh khác. Với sản phẩm tuyệt nhiên không dùng bất kỳ loại hóa chất tạo mùi; “Hương bài Tân Nguyên” đã sớm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đoàn cán bộ Phòng Nông nghiệp A Lưới, gồm các kỹ sư nông nghiệp và cả nhà doanh nghiệp; do Bí thư huyện ủy Lê Văn Trừ đã đến thị sát vườn cây hương bài được trồng đầu tiên ở vùng đồi Bình Thành; thị xã Hương Trà và tham quan cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm hương bài, tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy. Được “nhìn tận mắt, bắt tận tay”, Phòng Nông nghiệp A Lưới không ngần ngại; quyết định đầu tư trồng ngay 2 ha thí điểm ở A Lưới bằng hình thức quảng canh và trồng dưới tán rừng. Cây hương bài ở A Lưới đến tháng thứ 7; hứa hẹn cho kết quả tốt vào kỳ thu hoạch đầu tiên vào giữa năm sau 2013.
Cây hương bài đã dần dà trở thành cây trồng mới ở vùng đất nghèo Thừa Thiên Huế. Không chỉ có A Lưới mà ở Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Huế… cây hương bài đang bén rễ…
Công ty Tân Nguyên bao tiêu sản phẩm hương bài sau thu hoạch
Ông Nguyễn Minh Nhật Tuấn, Giám đốc Công ty TNHHMTV Tân Nguyên, cho hay: “Công ty đã đủ cây giống hương bài để cung ứng cho các đơn vị tổ chức, cá nhân có nhu cầu trồng cây hương bài . Công ty cũng đã và tiếp tục ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm rễ hương bài sau thu hoạch. Để bao tiêu sản phẩm, công ty đã tiến hành xây dựng và đi vào sản xuất, chế biến cây hương bài tiêu thụ trong nước và nước ngoài. |