Thắp hương – Những vấn đề cần biết

Lịch sử của việc thắp hương

Theo lịch sử ghi lại, việc thắp hương bắt nguồn từ khoảng năm 3700 Trước Công nguyên (cách đây khoảng 5700 năm), từ nước Ấn Độ. Trong các đền thờ của vua chúa Ai Cập (Ancient Egypt) có rất nhiều những hình vẻ hoặc hình chạm trên tường mô tả nghi thức này. Đến năm 618, vào đời nhà Tần mới có một vị Tăng từ Ấn Độ đem hương trầm sang Trung Quốc.

Từ đó hình thức thắp hương được phát triển mạnh mẽ và hưng thịnh nhất vào đời nhà Minh; sau đó được phổ biến đến khắp các nước láng giềng. Có thể nói hình thức đốt hương phổ biến nhất ở Nhật Bản; tại đây họ lại chế thêm nhiều cách đốt hương; sản phẩm quen thuộc nhất là trầm hương hình tròn đầu nhọn.

Ngày nay việc thắp hương đã trở thành một tập quán trong các ngày lễ hội như: Rằm tháng Giêng; lễ Vu Lan, Vía Quán Thế Âm; ngày Tết hái lộc đầu năm, Phật đản và những ngày quan trọng trong gia đình như cúng giỗ; đám tang, đám cưới, tân gia…

Hương dùng để cúng những vị Thần Phật như Phật Bà Quán Âm; Đức Mẹ Maria, Phúc Lộc Thọ, Thổ Địa, Táo Quân; Thần Tài hoặc để thắp cho những người thân trong gia đình như ông bà, cha mẹ

Ảnh: Internet

Thắp hương khi nào?

Nghi thức dâng hương là tập quán mà hầu như mọi người dân Châu Á bất kể lứa tuổi nào và sống ở nơi đâu đều biết đến.

Nén hương đã đi vào đời sống văn hóa; tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống; gần gũi và thiêng liêng. Dù không mê tín dị đoan, trong tâm thức mọi người Châu Á đều tin rằng nén hương khi đốt lên; cũng như một nhịp cầu vô hình kết nối hai thế giới hữu hình và vô hình với nhau. Tuy nhiên về mặt tâm linh, có người vẫn còn hiểu một cách mơ hồ; nhất là về ý nghĩa dâng hương theo truyền thống của ông bà. 

Vào những ngày rằm, mồng một hằng tháng, các dịp giỗ, Tết; hầu hết các gia đình Việt Nam đều thắp hương lên bàn thờ cúng Phật, gia tiên hoặc đến đền, chùa…cầu mong gia đạo yên vui, mạnh khỏe, may mắn….

Đây hoàn toàn không phải là hành động mê tín dị đoan; mà là một nét đẹp văn hóa, góp phần bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, những dịp lễ quan trọng như cưới hỏi; cúng Mụ ngày đầy tháng, thôi nôi, động thổ; nhập trạch hay an táng, cải cát đều phải thắp hương.

Ý nghĩa của việc thắp hương

Nén hương được thắp lên; gửi gắm nhiều thông điệp của trần gian đối với đất trời, tổ tiên; ông bà của mình, nó cũng làm gia đình ấm áp, lòng người được thanh thản hơn.

Thông thường, người ta thắp hương là để khẩn thiết cúi đầu mong tấm lòng thành kính của mình sẽ quyện theo làn khói thơm hướng về cõi thiêng liêng hoặc xông lên tận ngai vàng của Trời Phật. Khi thắp hương khói hương bay lên giống như làn sóng điện từ truyền vào không gian. Lời khấn cầu của người thắp hương hòa vào làn khói hương truyền đến người nghe lời cầu. Trời Phật sẽ cảm nhận được ước nguyện của người cầu. Do vậy trong kinh Phật mới có bài kệ:
“Nguyện đem lòng thành kính,
Gởi theo đám mây hương;
Phảng phất khắp mười phương;
Cúng dường ngôi Tam Bảo.”

Thắp hương như thế nào cho đúng

– Số lượng nén hương

Việc thắp hương như thế nào cho đúng, phù hợp với văn hóa và phong tục Việt Nam là điều cần biết đối với mọi người, nó cũng thể hiện văn hóa ứng xử của mỗi người. Thực tế cho thấy, người Việt Nam ta khi thắp hương thường chọn số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) hoặc có thể người ta cũng đốt cả nắm hương chứ không thắp hương theo số chẵn (2, 4, 6, 8). Theo lý giải của phong thủy thì số lẻ 1, 3, 5… mang nhiều ý nghĩa may mắn vi số lẻ là số dương (may mắn) và số chẵn là số âm (xui xẻo).

– Khi nào thì chỉ thắp 1, 3, 5 nén hương

a. Một nén hương

Buổi sáng người ta thường thắp một nén hương lên ông Thần Tài, ông Địa. Số 1 là số dương – ý chỉ là người sống thành tâm cầu thần linh, cầu mong thần linh phù hộ cho người mua may bán đắt hay được an lành, may mắn. Vì vậy Số 1 thể hiện tấm lòng thành kính.

b. Ba nén hương

Số 3 là số dương: Con số 3 thì có nhiều quan niệm khác nhau hơn. 
Đó có thể là: Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng);
Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới); 
Tam thời (Quá khứ – Hiện tại – Tương lai); 
Tam vô lậu học (Giới – Định – Tuệ) của nhà Phật
Trong Phong thủy thì số 3 là tượng của tam giới: Thiên (Trời), Địa (Đất), Nhân (Người). Vì vậy khi cúng giỗ, động thổ, cưới xin và làm những việc quan trọng trong đời thì người ta thường thắp 3 nén hương lên bàn thờ và khấn: “Hoàng Thiên (Trời), Hậu Thổ (Đất), những chiến sĩ trận vong, cô hồn… (Nhân ) phù hộ độ trì…
Nhìn chung, việc người Việt Nam thường thắp ba nén hương nhằm thể hiện ý nghĩa là tâm nhang (lòng thành), giới nhang (theo lời răn dạy của Phật thánh tổ đường) và định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ).

c. Năm nén hương

Con số 5 là 5 phương trời đất, 5 hướng thần linh.
Theo Phong thủy thì là Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Chỉ khi quốc gia hay tập thể dòng tộc tổ chức những việc đại sự có ý nghĩa cao đẹp thì mới thắp 5 nén hương trên hương án tượng trưng cho cầu Ngũ phương, Ngũ Thổ, Ngũ hành – tức là khắp trời đất chứng giám lòng thành của người đại diện cho dòng tộc, địa phương, đất nước và cầu cho “Quốc thái Dân an”.

d. Lên chùa thắp 1 nén hương

Khi chúng ta đi đền, chùa chỉ cần thắp 1 nén hương là đủ. Một nén hương gọi là tâm hương. Tuy chỉ một nén nhưng nén tâm hương lại bao gồm ý nghĩa năm sắc hương:
* Giới hương (tự nhắc nhở mình hướng thiện để tâm luôn trong sáng);
* Định hương (giữ cho lòng yên ổn không bị cái xấu);
* Tuệ hương (làm cho trí não luôn sáng suốt để thu nhận được những điều tốt đẹp;
* Thiện lương; tri kiến hương (giúp ta vững tin phát triển năng lực, trí tuệ);
* Giải thoát hương (giúp ta buông xả mọi ưu phiền cũng như những ham muốn tội lỗi).
Ngoài ra, việc các chùa hiện nay khuyến khích Phật tử chỉ nên thắp 1 nén nhang đó là nhằm tránh hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường với những người xung quanh. Cũng theo nhà Phật, không nên dùng nhang giả (nhang điện) cắm vào lư hương.

Một số lưu ý khi thắp hương

– Thắp hương phải có lời cầu khấn 

Khi thắp hương ở những nơi đường sá, đình miếu…, có khói hương lên như có lời mời. Lúc đó sẽ có các vong linh quanh đó kéo đến, người thắp hương phải khấn mời đích danh vong linh của người mình cầu về hiến hưởng thì mới được người đó, thần đó hiến hưởng và chứng giám. Nếu không có lời cầu khấn thì lễ vật đó coi như vô chủ, ai hưởng cũng được. Thậm chí, thập loại cô hồn có thể kéo đến thụ hưởng. Như thế là công cốc. 
Ở nhiều vùng thuộc Nam Bộ, người ta còn thắp hương cho từng gốc cây, góc nhà với quan niệm mọi vật đều có đời sống tâm linh của nó, cũng như là để thần thánh, hoặc vong/ hương linh hút vào sức lực để hiển linh.

– Cách thắp hương và niệm

Một điều chúng ta phải cần ghi nhớ là mỗi lần dâng hương trước bàn thờ: không những dâng hương bằng tấm lòng thành kính của mình, mà còn phải có chánh niệm (sự tập trung). Nên cắm từng nén hương với hai tay và cắm cho ngay thẳng, tượng trưng cho tấm lòng ngay thẳng, mặc cho bão táp phong ba không hề dời đổi, giữ nguyên phong cách của người quân tử tấm lòng trong sạch để lưu lại tiếng thơm với đời tỏa khắp nơi. Nén hương trầm tỏa ra mùi thơm ngào ngạt như sợi dây máu thịt nối liền giữa người đang sống với vong linh những người đã khuất.

(Nguồn: (st) GS. TS Cao Ngọc Lân)

Trả lời